Tiếng hát từ lòng nhân
Cô giáo tóc điểm sương với nụ cười hiền lành ngồi giữa gảy ghi-ta, các em nhỏ quây quần đong đưa người thả lòng theo điệu nhạc. Bài hát mừng mùa Xuân mới sang. Cô giáo là bà và các em là những đứa cháu mến yêu. Bà dạy các cháu hát, tiếng hát từ tâm, từ lòng nhân ái, bao dung và sự trắng trong của tâm hồn trẻ thơ.
Tôi đang kể về lớp học của cô Lệ Hằng, nguyên giảng viên dạy hát của Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật TP Cần Thơ. Học trò của cô ở đủ độ tuổi nhưng đông đảo và đáng yêu nhất là những em thiếu nhi, nhỏ nhất 5-6 tuổi, lớn hơn chừng 12-13 tuổi. Cô Lệ Hằng gọi đó là nhóm “Vành khuyên hát” và tôi hiểu rằng, cô chính là người cất tiếng hót cho những chú vành khuyên.
Cô Lệ Hằng và các học trò nhí cùng luyện thanh.
“Vành khuyên hát” nổi lên như một hiện tượng trong làng giải trí Việt từ sau khi bé Hiền Trân, thành viên nhóm, đăng quang cuộc thi “Thần tượng tương lai” do Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh tổ chức. Nhiều thành viên khác như Trâm Anh, Phương Vy, Gia Nghi, Chấn Quốc, Lan Anh… cũng vào sâu ở các sân chơi nghệ thuật quy mô toàn quốc dành cho thiếu nhi. Trước đó, Quán quân Đồ Rê Mí 2015 Hải Ngân, giải Ba Đồ Rê Mí 2013 Quỳnh Dao… cũng do cô Lệ Hằng phát hiện tài năng và tập luyện. Những chú chim vành khuyên từ đất Tây Đô luôn tạo nhiều ấn tượng đẹp.
Gặp Quán quân Hiền Trân những ngày giáp Tết, em lớn nhanh nhưng nét tinh nghịch, đáng yêu vẫn nguyên trên gương mặt cô bé 13 tuổi. Hỏi em rằng sau hơn một năm “làm người nổi tiếng”, cuộc sống Trân liệu có nhiều thay đổi, em ngây thơ rằng: “Con được mọi người biết đến và yêu thương nhiều hơn”. Có những điều không đổi là Hiền Trân vẫn ngoan, học giỏi và lễ phép. Sau khi đăng quang, Hiền Trân đã tổ chức buổi văn nghệ tri ân, tặng quà cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Hiền Trân cùng gia đình và nhóm “Vành khuyên hát” đi làm từ thiện tận miền Trung, khu vực ĐBSCL. “Thấy các bạn nhỏ bằng tuổi con mà phải cơ cực, thiếu thốn, con thương lắm”- giọng Hiền Trân hiền hậu.
Tiếp lời Hiền Trân, cô Lệ Hằng nói rằng, trẻ em như một bông hoa, hãy cho các em hồn nhiên hướng về ánh mặt trời. Chuyện dạy hát là để các em có kỹ năng, nuôi dưỡng đam mê, chứ chưa bao giờ cô nghĩ mình sẽ đào tạo ra người nổi tiếng. Vậy nên, cùng với tiếng đàn, lời ca, cô Lệ Hằng còn chăm chút cho các em cái nghĩa ở đời. Đó là nền tảng để sau này các em trưởng thành.
Mùa Vu Lan 2018, tại Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam, nhóm “Vành khuyên hát” tổ chức một chương trình nghệ thuật đầy ý nghĩa và tặng quà cho trẻ em, bà con nghèo. Kinh phí chương trình hơn 100 triệu đồng, từ gia đình các bé trong nhóm đóng góp như Hiền Trân, Bảo Thy, Gia Hân… Nhóm cũng đang chuẩn bị một chương trình từ thiện mới vào đầu năm 2019 và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phụ huynh “Vành khuyên hát”. Chẳng lăng-xê, chẳng hô hào, những việc làm ý nghĩa của “Vành khuyên hát” cứ xuôi theo dòng suối thiện lành, để ngọt ngào đọng lại trong nhân sinh quan còn thơ ngây của các em. Cô Lệ Hằng nhớ mãi, hình ảnh bé Bảo Thy nâng niu mãi bàn tay gầy của một bà lão nghèo ở Phong Điền với ánh mắt đầy sẻ chia, hình ảnh bé Hiền Trân rơm rớm nước mắt khi thăm các trẻ mồ côi ở một ngôi chùa… Tuổi thơ của “Vành khuyên hát” được lớn lên từ những hạt mầm nhân lành thế đó.
Và nếu ví von như thế, thì tôi nghĩ rằng, cô Lệ Hằng như người thợ làm vườn chuyên cần và nhiệt tâm, che chở cho hạt mầm ấy lớn lên từng ngày. Hồi năm 2017, Quán quân “Thần tượng tương lai” Hiền Trân nổi tiếng bao nhiêu thì “bà nội xì-tin” - biệt danh cư dân mạng đặt cho cô Lệ Hằng cũng vang danh không kém. Đó không chỉ vì cô quá duyên dáng và dàn dựng các tiết mục của Hiền Trân đầy “chiến thuật”, mà còn từ sự chăm chút, đồng hành của cô trong mỗi bước tiến của Hiền Trân. Đến độ, người ta lầm rằng cô là bà nội ruột của Hiền Trân.
Cô Lệ Hằng luôn đồng hành cùng những những bước đường nghệ thuật của Hiền Trân - Quán quân Thần tượng tương lai.
Tôi và những người yêu mến cô thì không lạ, bởi biết rằng, không chỉ Hiền Trân mà bé nào trong “Vành khuyên hát” cũng được cô thương yêu như thế. Căn nhà cô Hằng trong con hẻm nhỏ ngày nào cũng rộn vang tiếng trẻ con. “Bà nội ơi con khát nước!”, “Bà cô ơi con đói bụng!”, “Còn sữa không bà nội?”… bọn trẻ cứ vây lấy cô đầy thương mến, chẳng có một ranh giới nào của những thế hệ cách nhau hơn nửa thế kỷ. Cháu nào còn nói leo, cháu nào hay vặt mắt với bạn… “bà nội xì- tin” nhắc liền, không la nhưng khuyên bảo nghiêm khắc.
Các phụ huynh của “Vành khuyên hát” thủ thỉ cho tôi nghe mấy câu chuyện về cô Lệ Hằng. Như chuyện cách đây 3 năm về trước, có một người đàn ông ngoài 30 tuổi bán chổi dạo, cứ đứng trước nhà cô nhìn chăm chăm mỗi khi cô dạy trẻ em hát. Bằng nhạy cảm của một người phụ nữ “gừng cay muối mặn”, cô Lệ Hằng bắt chuyện và biết rằng, anh có cô con gái 5 tuổi mê hát lắm, ngặt vì nghèo, không có tiền cho con đi học. Chẳng chút nghĩ suy, cô nói ngay: “Mai chở cháu lại cho cô!”. Từ đó đến nay ngót đã 3 năm, bé vẫn học ở lớp dạy hát của cô, đã từng vào sâu các cuộc thi “Tuyệt đỉnh song ca nhí”, “Biệt tài tí hon”… Cô vẫn dạy miễn phí và chăm chút bằng hết sức mình cho bé.
Sổ ghi tiền đóng học phí của cô Lệ Hằng cũng chẳng có một định lượng nào cụ thể. Bé này đóng 1,5 triệu đồng/tháng, bé khác 1 triệu đồng, bé khác 500.000 đồng, có nhiều bé miễn phí hoàn toàn… “Tùy hoàn cảnh mà phụ huynh hỗ trợ cô. Mấy bé nhà khó khăn quá thì mình tính khác”, cô Lệ Hằng lý giải. Một chuyện hay nữa là có nhiều bé bị tật nói ngọng, nói đớt, đến độ khó nghe nhưng lại yêu ca hát, muốn được hát. Một ca sĩ trọn đời theo nghiệp như cô Lệ Hằng thì nỡ nào khước từ những ước mơ đó, dẫu biết sẽ nhiều khó khăn. Cô kiên trì tập cho các em nói, tập phát âm, động tác của lưỡi, cách lấy hơi… Ngày này qua tháng nọ, năm này qua năm khác, những đứa trẻ ngọng nghịu ngày nào giờ đã hát tròn vành rõ chữ bài “Gia đình nhỏ hạnh phúc to”, “Ba ngọn nến lung linh”… Niềm vui ấy, cứ khiến cô Hằng rưng rưng mãi.
DUY KHÔI
Tôi đang kể về lớp học của cô Lệ Hằng, nguyên giảng viên dạy hát của Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật TP Cần Thơ. Học trò của cô ở đủ độ tuổi nhưng đông đảo và đáng yêu nhất là những em thiếu nhi, nhỏ nhất 5-6 tuổi, lớn hơn chừng 12-13 tuổi. Cô Lệ Hằng gọi đó là nhóm “Vành khuyên hát” và tôi hiểu rằng, cô chính là người cất tiếng hót cho những chú vành khuyên.
Cô Lệ Hằng và các học trò nhí cùng luyện thanh.
“Vành khuyên hát” nổi lên như một hiện tượng trong làng giải trí Việt từ sau khi bé Hiền Trân, thành viên nhóm, đăng quang cuộc thi “Thần tượng tương lai” do Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh tổ chức. Nhiều thành viên khác như Trâm Anh, Phương Vy, Gia Nghi, Chấn Quốc, Lan Anh… cũng vào sâu ở các sân chơi nghệ thuật quy mô toàn quốc dành cho thiếu nhi. Trước đó, Quán quân Đồ Rê Mí 2015 Hải Ngân, giải Ba Đồ Rê Mí 2013 Quỳnh Dao… cũng do cô Lệ Hằng phát hiện tài năng và tập luyện. Những chú chim vành khuyên từ đất Tây Đô luôn tạo nhiều ấn tượng đẹp.
Gặp Quán quân Hiền Trân những ngày giáp Tết, em lớn nhanh nhưng nét tinh nghịch, đáng yêu vẫn nguyên trên gương mặt cô bé 13 tuổi. Hỏi em rằng sau hơn một năm “làm người nổi tiếng”, cuộc sống Trân liệu có nhiều thay đổi, em ngây thơ rằng: “Con được mọi người biết đến và yêu thương nhiều hơn”. Có những điều không đổi là Hiền Trân vẫn ngoan, học giỏi và lễ phép. Sau khi đăng quang, Hiền Trân đã tổ chức buổi văn nghệ tri ân, tặng quà cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Hiền Trân cùng gia đình và nhóm “Vành khuyên hát” đi làm từ thiện tận miền Trung, khu vực ĐBSCL. “Thấy các bạn nhỏ bằng tuổi con mà phải cơ cực, thiếu thốn, con thương lắm”- giọng Hiền Trân hiền hậu.
Tiếp lời Hiền Trân, cô Lệ Hằng nói rằng, trẻ em như một bông hoa, hãy cho các em hồn nhiên hướng về ánh mặt trời. Chuyện dạy hát là để các em có kỹ năng, nuôi dưỡng đam mê, chứ chưa bao giờ cô nghĩ mình sẽ đào tạo ra người nổi tiếng. Vậy nên, cùng với tiếng đàn, lời ca, cô Lệ Hằng còn chăm chút cho các em cái nghĩa ở đời. Đó là nền tảng để sau này các em trưởng thành.
Mùa Vu Lan 2018, tại Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam, nhóm “Vành khuyên hát” tổ chức một chương trình nghệ thuật đầy ý nghĩa và tặng quà cho trẻ em, bà con nghèo. Kinh phí chương trình hơn 100 triệu đồng, từ gia đình các bé trong nhóm đóng góp như Hiền Trân, Bảo Thy, Gia Hân… Nhóm cũng đang chuẩn bị một chương trình từ thiện mới vào đầu năm 2019 và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phụ huynh “Vành khuyên hát”. Chẳng lăng-xê, chẳng hô hào, những việc làm ý nghĩa của “Vành khuyên hát” cứ xuôi theo dòng suối thiện lành, để ngọt ngào đọng lại trong nhân sinh quan còn thơ ngây của các em. Cô Lệ Hằng nhớ mãi, hình ảnh bé Bảo Thy nâng niu mãi bàn tay gầy của một bà lão nghèo ở Phong Điền với ánh mắt đầy sẻ chia, hình ảnh bé Hiền Trân rơm rớm nước mắt khi thăm các trẻ mồ côi ở một ngôi chùa… Tuổi thơ của “Vành khuyên hát” được lớn lên từ những hạt mầm nhân lành thế đó.
Và nếu ví von như thế, thì tôi nghĩ rằng, cô Lệ Hằng như người thợ làm vườn chuyên cần và nhiệt tâm, che chở cho hạt mầm ấy lớn lên từng ngày. Hồi năm 2017, Quán quân “Thần tượng tương lai” Hiền Trân nổi tiếng bao nhiêu thì “bà nội xì-tin” - biệt danh cư dân mạng đặt cho cô Lệ Hằng cũng vang danh không kém. Đó không chỉ vì cô quá duyên dáng và dàn dựng các tiết mục của Hiền Trân đầy “chiến thuật”, mà còn từ sự chăm chút, đồng hành của cô trong mỗi bước tiến của Hiền Trân. Đến độ, người ta lầm rằng cô là bà nội ruột của Hiền Trân.
Cô Lệ Hằng luôn đồng hành cùng những những bước đường nghệ thuật của Hiền Trân - Quán quân Thần tượng tương lai.
Tôi và những người yêu mến cô thì không lạ, bởi biết rằng, không chỉ Hiền Trân mà bé nào trong “Vành khuyên hát” cũng được cô thương yêu như thế. Căn nhà cô Hằng trong con hẻm nhỏ ngày nào cũng rộn vang tiếng trẻ con. “Bà nội ơi con khát nước!”, “Bà cô ơi con đói bụng!”, “Còn sữa không bà nội?”… bọn trẻ cứ vây lấy cô đầy thương mến, chẳng có một ranh giới nào của những thế hệ cách nhau hơn nửa thế kỷ. Cháu nào còn nói leo, cháu nào hay vặt mắt với bạn… “bà nội xì- tin” nhắc liền, không la nhưng khuyên bảo nghiêm khắc.
Các phụ huynh của “Vành khuyên hát” thủ thỉ cho tôi nghe mấy câu chuyện về cô Lệ Hằng. Như chuyện cách đây 3 năm về trước, có một người đàn ông ngoài 30 tuổi bán chổi dạo, cứ đứng trước nhà cô nhìn chăm chăm mỗi khi cô dạy trẻ em hát. Bằng nhạy cảm của một người phụ nữ “gừng cay muối mặn”, cô Lệ Hằng bắt chuyện và biết rằng, anh có cô con gái 5 tuổi mê hát lắm, ngặt vì nghèo, không có tiền cho con đi học. Chẳng chút nghĩ suy, cô nói ngay: “Mai chở cháu lại cho cô!”. Từ đó đến nay ngót đã 3 năm, bé vẫn học ở lớp dạy hát của cô, đã từng vào sâu các cuộc thi “Tuyệt đỉnh song ca nhí”, “Biệt tài tí hon”… Cô vẫn dạy miễn phí và chăm chút bằng hết sức mình cho bé.
Sổ ghi tiền đóng học phí của cô Lệ Hằng cũng chẳng có một định lượng nào cụ thể. Bé này đóng 1,5 triệu đồng/tháng, bé khác 1 triệu đồng, bé khác 500.000 đồng, có nhiều bé miễn phí hoàn toàn… “Tùy hoàn cảnh mà phụ huynh hỗ trợ cô. Mấy bé nhà khó khăn quá thì mình tính khác”, cô Lệ Hằng lý giải. Một chuyện hay nữa là có nhiều bé bị tật nói ngọng, nói đớt, đến độ khó nghe nhưng lại yêu ca hát, muốn được hát. Một ca sĩ trọn đời theo nghiệp như cô Lệ Hằng thì nỡ nào khước từ những ước mơ đó, dẫu biết sẽ nhiều khó khăn. Cô kiên trì tập cho các em nói, tập phát âm, động tác của lưỡi, cách lấy hơi… Ngày này qua tháng nọ, năm này qua năm khác, những đứa trẻ ngọng nghịu ngày nào giờ đã hát tròn vành rõ chữ bài “Gia đình nhỏ hạnh phúc to”, “Ba ngọn nến lung linh”… Niềm vui ấy, cứ khiến cô Hằng rưng rưng mãi.
DUY KHÔI
Chia sẻ bài viết |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét